LỜI MỞ ĐẦU
Hoạt động trong cơ chế thị trường không phải tất cả các doanh nghiệp đều có các điều kiện kinh doanh và khả năng nắm bắt cơ hội như nhau. Thị trường chỉ chấp nhận những doanh nghiệp có năng lực thực sự, sẵn sàng vượt qua những thách thức do cơ chế kinh tế mới đem lại. Nhất là đối với những doanh nghiệp mà phạm vi hoạt động ở cả thị trường nước ngoài thì lại càng có nhiều khó khăn phải giải quyết.
Là một doanh nghiệp Nhà nước, Tổng công ty chè Việt Nam đã từng bước thích nghi với cơ chế thị trường để tăng trưởng và phát triển.
Tổng công ty chè Việt Nam có nhiệm vụ trực tiếp kinh doanh xuất khẩu sản phẩm chè các loại và nhập khẩu máy móc thiết bị chế biến chè, các vật tư phục vụ cho sản xuất chè và đời sống của người làm chè.
Cây chè đang từng bước khẳng định được vị trí trong tập đoàn các cây công nghiệp ở nước ta. Trong những năm gần đây, cạnh tranh đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành chè thế giới. Riêng đối với Tổng công ty chè Việt Nam thì cạnh tranh không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà còn cả ở thị trường trong nước.
Bằng những kiến thức cơ bản về kinh tế và marketing cùng với thời gian thực tập tại Tổng công ty chè Việt Nam, em xin chọn đề tài: "Một số biện pháp nhằm tăng thị phần trong nước của Tổng công ty chè Việt Nam" làm luận văn tốt nghiệp.
Mục đích của đề tài này là nhằm tìm hiểu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty chè Việt Nam, rút ra những thuận lợi và khó khăn từ đó đề nghị một số giải pháp nhằm tăng thị phần trong nước của Tổng công ty.
Luận văn này gồm 3 phần:
Chương I : Giới thiệu chung về Tổng công ty chè Việt Nam.
Chương II : Phân tích tình hình thị trường trong nước của Tổng công ty chè
Việt Nam.
Chương III : Một số giải pháp cho vấn đề tiêu thụ trong nước của Tổng
công ty chè Việt Nam.
Do trình độ của bản thân còn có hạn nên luận văn này không tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong được sự góp ý của các thày cô giáo. Em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo Nguyễn Thu Hiền cũng như sự giúp đỡ của ban lãnh đạo và các phòng ban chức năng ở Tổng công ty chè Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để em có thể hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình.
CHƯƠNG I
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TỔNG CÔNG TY CHÈ VIỆT NAM.
I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN-LĨNH VỰC KINH DOANH CHỦ YẾU-CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TỔNG CÔNG TY CHÈ VIỆT NAM
1. Lịch sử ra đời và phát triển.
Tổng công ty chè Việt Nam - tên giao dịch quốc tế Vinatea Corp - được thành lập theo theo thông báo số 5820 - CP/DDMDN ngày 13 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ và quyết định số 394 - NN - TCCB/QĐ ngày 2 tháng 12 năm 1995 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổng công ty chè là một trong số những doanh nghiệp Nhà nước được chọn để thành lập Tổng công ty theo quyết định 90 - 90/TTg ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, tuy mới được thành lập nhưng trên thực tế, Tổng công ty đã có cả một quá trình phát triển lâu dài từ tiền thân của nó là Liên hiệp các xí nghiệp công nông chè Việt Nam.
Được thành lập từ ngày 19 tháng 4 năm 1974, Liên hiệp chè lúc bấy giờ là một tổ chức kinh tế thống nhất đầu tiên giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển của ngành chè Việt Nam, góp phần đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung hóa sản xuất của các cơ sở sản xuất, chế biến, trồng chè trong nước. Đây là quá trình vận động liên kết trong ngành chè theo chiều ngang - Liên hiệp các nông trường xí nghiệp trồng và chế biến chè.
Bước sang thời kỳ 1988 - 1996, cùng với sự đổi mới của nền kinh tế đất nước, ngành chè nói chung và Liên hiệp chè nói riêng đã phát triển vượt bậc so với các giai đoạn trước. Mặc dù thị trường truyền thống về chè là Liên Xô và Đông Âu đã mất đi do những biến động về chính trị, nhưng thay vào đó Liên hiệp đã bắt đầu tìm kiếm những thị trường mới như Đài Loan, Singapore, Irắc, Ba Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Anh, Nga,... với giá xuất khẩu từ 700 tới 800 USD 1 tấn. Tính tới năm 1994 kim ngạch xuất khẩu chè đã đạt tới 18195USD. Với tất cả những thành tích đạt được sau hơn 20 năm hoạt động nhưng so với mục tiêu phát triển và nhiệm vụ chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của Liên hiệp đã bộc lộ những mặt yếu, những sự mất cân đối lớn giữa nhu cầu phát triển và tốc độ sản xuất kinh doanh, giữa sản xuất và tốc độ biến đổi của thị trường. Để phát triển, Liên hiệp cần phải đổi mới cùng với nghị định 388 ( giao vốn, giao quyền) tạo cho các doanh nghiệp độc lập, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải có một tổ chức cao hơn tập hợp được tất cả các nguồn lực để phát triển theo quyết định 90 - 91/TTg.
Đó là sự ra đời của Tổng công ty chè - một tổ chức mới phù hợp với cơ chế đổi mới và quyết định tốc độ phát triển chè ở Việt Nam.
Việc thành lập Tổng công ty chè Việt Nam đã tạo nên một sức mạnh mới, đó là tập trung hoạt động, tập trung vốn, được quyền quản lý điều hành nhất là về giá cả để đảm bảo sức cạnh tranh cùa chè Việt Nam trên thị trường quốc tế.
2.Nhiệm vụ và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Tổng công ty chè Việt Nam.
Tổng công ty chè Việt Nam có nhiệm vụ kinh doanh chè bao gồm:
- Xây dựng và thực hiện chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển, đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu cải tạo giống chè, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ, xuất nhập khẩu sản phẩm chè, vật tư thiết bị ngành chè.
- Tiến hành các hoạt động kinh doanh khác theo pháp luật.
- Cùng với chính quyền địa phương chăm lo phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng trồng chè, đặc biệt đối với các vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng kinh tế mới, vùng sâu vùng xa có nhiều khó khăn.
- Xây dựng mối quan hệ và hợp tác đầu tư, khuyến nông, khuyến lâm với các thành phần kinh tế để phát triển trồng chè, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải tạo môi sinh.
Chè là ngành hàng kinh doanh chủ yếu của Tổng công ty chè Việt Nam. Đó là một loại nước giải khát phổ biến trên toàn thế giới không chỉ do văn hóa hay sở thích mà còn vì một số tác dụng tốt xung quanh việc uống chè. Như vậy, có thể thấy đối tượng phục vụ của Tổng công ty là rất lớn. Để có một lượng chè lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thị trường trong và ngoài nước, Tổng công ty đã kết hợp phương thức hoạt động trồng - làm kết hợp. Từ khâu chọn giống, trồng trọt, sản xuất và tiêu thụ đều do Tổng công ty đảm nhiệm. Tổng công ty là một doanh nghiệp Nhà nước, do đó phương thức hoạt động của Tổng công ty đều theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới kinh tế: thực hiện vai trò chủ đạo trong ngành chè và sự phát triển của ngành chè theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nhưng không phải vì thế mà Tổng công ty không có quyền quyết định mọi hoạt động. Tổng công ty tổ chức quản lý, sản xuất, tiêu thụ, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu được, tự quyết định sự tồn tại và phát triển.
Để đáp ứng được nhu cầu thị trường với mong muốn là mở rộng thêm được thị phần, Tổng công ty hiện nay đã sản xuất các mặt hàng chè:
- Chè đen
- Chè CTC (nghiền - vò - cắt)
- Chè xanh
- Chè xô
- Chè sơ chế
- Chè thành phẩm
Trong đó chè đen là sản phẩm quan trọng nhất trong cơ chế xuất khẩu, bao gồm các chủng loại:
- 3 loại chè đen cao cấp: OP, FBOP, P
- Chè BPS
- Chè PS
- Chè F
- Chè D
3.Cơ cấu tổ chức của Tổng công ty chè Việt Nam.
Bộ máy văn phòng Tổng công ty chè Việt Nam gồm các Phòng ban:
- Văn phòng Tổng công ty
- Phòng Tổ chức
- Phòng Kế hoạch Đầu tư
- Phòng Tài chính Kế toán
- Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp
- Phòng Kỹ thuật Cơ điện
- Phòng Kinh doanh XNK (5 phòng)
- Phòng Thị trường.
Sự tồn tại của các phòng ban là hết sức cần thiết để thực hiện công tác quản lý, điều hành đối với các thành viên được tốt và hiệu quả.
Tổng công ty thực hiện hình thức phân chia bộ phận theo chức năng, một hình thức phân chia cơ bản và logic. Các phòng ban chức năng được phân chia làm 2 loại: một số phòng kinh doanh mang tính chất tương đối độc lập, tự chủ, một số phòng mang tính chất hành chính, phục vụ.
Đứng đầu Tổng công ty là Hội đồng quản trị. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm cao nhất trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như trước Thủ tướng chính phủ về vốn và tài sản của Tổng công ty.
Hiện nay, Hội đồng quản trị của Tổng công ty bao gồm một chủ tịch, một trưởng ban kiểm soát và bốn uỷ viên có nhiệm vụ chỉ đạo và giám sát trực tiếp tới mội hoạt động của ban Tổng giám đốc.
Để thực hiện tốt chức năng của mình, Hội đồng quản trị thành lập ra ban kiểm soát. Ban này giúp Hội đồng quản trị nắm bắt kịp thời mọi điều hành của Ban Tổng giám đốc.........................................................